Vì sao não bộ ưu ái suy nghĩ tiêu cực?
Thiên kiến tiêu cực cho thấy, đến cảm xúc cũng không công bằng.
Chắc hẳn bạn đã từng trải nghiệm cảm giác “tốt thì quên, xấu thì nhớ” trong cuộc sống hằng ngày. Một bữa ăn ngon ở nhà hàng có thể bị lu mờ bởi một sự cố nhỏ như phục vụ thiếu chú ý, hay một chuyến du lịch vui vẻ nhưng lại khiến bạn nhớ mãi một câu nói không hay từ người bạn thân. Những tình huống này chính là minh chứng cho negativity bias – thiên kiến tiêu cực, một hiện tượng phổ biến nhưng ít được chú ý trong cách chúng ta xử lý thông tin.
Negativity Bias là gì?
Thiên kiến tiêu cực là khuynh hướng tâm lý khiến chúng ta chú ý, ghi nhớ và phản ứng mạnh mẽ với các thông tin tiêu cực hơn là những thông tin tích cực. Đây là một hiện tượng tâm lý không mới, nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn đến cách ta đánh giá và nhìn nhận mọi thứ xung quanh.
Thiên kiến tiêu cực được thể hiện qua việc:
– Nhớ về những trải nghiệm không vui hơn là những trải nghiệm tốt đẹp.
– Nhớ những lời sỉ nhục rõ hơn những lời tán dương.
– Phản ứng mạnh hơn với kích thích tiêu cực.
– Nghĩ về những điều tiêu cực thường xuyên hơn những điều tích cực.
Nguồn gốc của thiên kiến tiêu cực
Theo nhà tâm lý học Rick Hanson, thiên kiến tiêu cực là kết quả của một quá trình tiến hóa. Trong môi trường sống nguy hiểm thời kỳ nguyên thủy, việc chú ý đến các mối đe dọa và nguy hiểm là yếu tố sống còn. Bộ não chúng ta đã được “lập trình” để ưu tiên những yếu tố tiêu cực, vì chúng giúp tránh khỏi các tình huống nguy hiểm, giữ cho chúng ta an toàn.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, khi các mối đe dọa vật lý không còn nữa, thiên kiến này vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta.
Thiên kiến tiêu cực ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
Những thông tin tiêu cực gia tăng hoạt động ở vùng xử lý thông tin quan trọng của não bộ, khiến ta dễ bị định hình bởi những trải nghiệm không tốt đẹp.
💥 Tạo động lực: Mục tiêu tránh mất mát luôn có sức mạnh lớn hơn mục tiêu đạt được điều gì đó. Ví dụ, thay vì chỉ nghĩ đến thành công, chúng ta thường lo sợ thất bại, và chính nỗi sợ này thúc đẩy hành động nhiều hơn.
💥 Ảnh hưởng đến quyết định: Khi đối mặt với các quyết định, thiên kiến tiêu cực khiến chúng ta chú trọng vào những nguy cơ, rủi ro, thay vì chỉ tập trung vào các cơ hội và kết quả tích cực. Điều này có thể dẫn đến việc chúng ta ngần ngại, tránh né những cơ hội chỉ vì lo sợ thất bại.
💥 Làm nổi bật tin tức tiêu cực: Thực tế cho thấy, 90% tin tức trên các phương tiện truyền thông có xu hướng tiêu cực. Những tin tức này thường thu hút sự chú ý của người đọc, và cũng dễ dàng khiến chúng ta cảm thấy thế giới đầy nguy hiểm và bất an. Điều này cũng giải thích tại sao các tiêu đề giật gân luôn dễ dàng thu hút người xem.
💥 Đánh giá bản thân và người khác: Thiên kiến tiêu cực khiến chúng ta dễ dàng nhận xét và đánh giá mọi người, thậm chí cả bản thân, một cách khắt khe hơn. Những lời chỉ trích có thể khiến chúng ta mất tự tin, trong khi những lời khen lại dễ bị quên lãng. Chúng ta cũng có xu hướng thấy người khác không tốt, chỉ vì những trải nghiệm tiêu cực mà chúng ta ghi nhớ lâu dài hơn.
💥 Tác động đến mối quan hệ: Một nghiên cứu cho thấy, để mối quan hệ vững bền, tỷ lệ tích cực cần phải vượt xa tỷ lệ tiêu cực. Cụ thể, nếu trong một mối quan hệ có ít nhất 5 lần tương tác tích cực so với mỗi lần tiêu cực, mối quan hệ đó sẽ vững chắc. Thiên kiến tiêu cực có thể khiến chúng ta dễ dàng cho rằng đối phương có ý định xấu, dẫn đến những xung đột không đáng có.
Làm sao để đối phó với thiên kiến tiêu cực?
Để có thể quản lý thiên kiến tiêu cực và tìm được sự cân bằng, bạn có thể thử những cách sau:
👉 Nhận thức về thiên kiến tiêu cực: Bước đầu tiên là nhận ra rằng bộ não của chúng ta thiên về những điều tiêu cực. Khi bạn nhận thức được điều này, bạn có thể bắt đầu thay đổi cách nghĩ của mình và không để những suy nghĩ tiêu cực chi phối cuộc sống.
👉 Tập trung vào tích cực: Hãy thử dành ít nhất vài phút mỗi ngày để suy nghĩ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Việc ghi nhớ và trân trọng những khoảnh khắc tích cực sẽ giúp giảm bớt ảnh hưởng của thiên kiến tiêu cực.
👉 Giảm thiểu tiếp xúc với tin tức tiêu cực: Hãy chủ động lựa chọn thông tin bạn tiếp nhận. Đôi khi việc tắt TV hay không kiểm tra điện thoại liên tục có thể giúp bạn giảm bớt cảm giác căng thẳng và lo âu.
👉 Chấp nhận sự không hoàn hảo: Đôi khi, những sai sót hay thất bại chỉ là những phần nhỏ trong bức tranh tổng thể. Hãy học cách tha thứ cho bản thân và không để một vài sự kiện tiêu cực ảnh hưởng quá lớn đến cảm nhận của bạn về cuộc sống.
Hãy nên nhớ rằng, cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng nếu chúng ta biết cách tìm kiếm và tập trung vào những điều tốt đẹp, mọi thứ sẽ trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn rất nhiều.
Biên soạn bởi Tâm Lý Học Ứng Dụng.